Hỏi đáp lĩnh vực Thẩm Định Giá

  • 1. Hỏi: Tư vấn chọn lựa phương án cổ phần hóaOpen or Close
    Trả lời.
    Để tiến hành chọn phương án cổ phần hóa CN Trung tâm Hội chợ Triển lãm VN,  kính đề nghị công ty Thẩm định giá Đông Nam cung cấp thông tin tư vấn các vấn đề sau: (Căn cứ quyết định của Bộ tài chính. Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam được giao mặt bằng tại số 13 Lê Quý Đôn, F6, Quận 3. Tp.HCM, với DT 376 m2).

    1.  Giá bán của lô đất này sẽ được UBND TP.HCM định giá theo phương pháp nào? Khoảng bao nhiêu tiền? thời gian thuê là bao nhiêu năm?

    2.  Giá thuê lô đất này sẽ được UBND TP.HCM định giá theo phương pháp nào? Khoảng bao nhiêu tiền?

    3.  Giá trị lợi thế vị trí địa lý sẽ được UBND TP.HCM định giá theo phương pháp nào? Khoảng bao nhiêu tiền?

    4.  Tại thời điểm này với các đặc điểm của công ty, chúng tôi có nên tiến hành cổ phần hóa hay không? Nếu tiến hành cổ phần hóa thì nên tiến hành theo phương án nào là tốt nhất?
    Rất mong Công ty cung cấp thông tin tư vấn sớm cho công ty chúng tôi các vấn đề trên để chúng tôi có thể sớm triển khai các bước tiếp theo.
    Trả lời:

    Cám ơn quý Trung tâm đã gởi câu hỏi, Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam xin có ý kiến như sau:

    1.  Về Phương pháp định giá và Giá trị lô đất

    -      Phương pháp xác định giá đất và điều kiện áp dụng các phương pháp xác định giá đất được quy định cụ thể tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị định 188/2004/NĐ-CP về Phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất và khoản 3, khoản 4 Điều 1 tại Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/07/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 188/2004/NĐ-CP và theo tiêu chuẩn thẩm định giá ban hành theo Quyết định số 129/2008/QĐ-BTC, ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

    -       Việc tính giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định 109/2007/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại điểm 5 Phần A,Mục III của Thông tư số 146/2007/TT-BTC.

    -      Hiên tại thông tin về lô đất như loại đất, quy hoạch của khu đất… chưa đầy đủ nên chưa thể xác định được giá trị của lô đất trên. Tuy nhiên nếu tính theo phương pháp so sánh trực tiếp đối với loại đất ở của các lô đất có vị trí tương tự thì giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường khoảng: 207.130.000 đồng/m2  và giá đất sản xuất kinh doanh sẽ là 60% x 207.130.000 đồng =  124.278.000 đồng/m2.

    -     Lô đất của Công ty khi cổ phần hóa do làm văn phòng nên sẽ tính là đất sản xuất kinh doanh 

    2.   Về Giá thuê lô đất và thời gian thuê

    Giá thuê lô đất sẽ được định giá theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày14/11/2005 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

    Đơn giá thuê đất một năm tính bằng 0,5% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đâygọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành theo quy định của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Đối với đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ, căn cứvào thực tế ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành đơn giá thuê đất cao hơn 0,5% giá đất nhưng tối đa không quá 04 lần, tức đơn giá thuê đất cao nhất bằng 2% giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Thời gian thuê thông thường theo thời gian hoạt động của Công ty cổ phần là 50 năm

    Đối với trường hợp của Công ty, do lô đất nằm ở vị trí trung tâm nên giá thuê sẽ được tính như sau:

    124.278.000 đồng/m2 x 2% = 2.485.560 đồng/m2/năm

    3.  Về Giá trị lợi thế vị trí địa lý.

    Giá trị lợi thế vị trí địa lý được quy định tại tiết a điểm 4.7 Mục A phần III Thông tư 146/2007/TT-BTC được xác định bằng chênh lệch giữa giá đất được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường so với giá do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định và công bốvào ngày 01/01 của năm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.

    Theo bảng giá đất ở đô thị Quận 3 (Ban hành kèm Quyết định số 89 /2010/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2010 được công bố vào ngày 01/01/2011 thì giá đất ở tại đường Lê Quý Đôn là 27.500.000 đồng/m2, giá đất sản xuất kinh doanh sẽ là: 27.500.000 đồng/m2 x 60% = 16.500.000 đồng/m2, với diện tích lô đất là 376 m2, thì giá trị lợi thế vị trí địa lý sẽ là:

    (124.278.000 đồng/m2 - 16.500.000 đồng/m2) x 376 m2 =  40.524.528.000 đồng.

    4.  Tại thời điểm này với các đặc điểm của công ty, chúng tôi có nên tiến hành cổ phần hóa hay không? Nếu tiến hành cổ phần hóa thì nên tiến hành theo phương án nào là tốt nhất?

    Giá trị thực tế doanh nghiêp để cổ phần hóa sẽ được xác định theo quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP và thông tư số 146/2007/TT-BTC do tổ chức tư vấn xác định và được cấp có thẩm quyền là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.

    Theo đặc điểm của Chi nhánh thì nên tiến hành cổ phần và cổ phần theo hình thức giao đất sản xuất kinh doanh là tốt nhất, giá trị của lô đất nộp cho ngân sách Nhà nước khoảng: 46.728.528.000 đồng.

    Trên đây là những nội dung cần tư vấn cho Quý Công ty để Quý Công ty xây dựng phương án cổ phần hóa theo quy định.
  • 2. Hỏi: Ngành thẩm định giá: cần kỹ năng nào để thành công?Open or Close
    Trả lời.
    Em vừa thi đậu vào ngành thẩm định giá của trường ĐH Tài chính-Marketing. Em thấy ngành này hiện này đang rất cần nhân lực và bản thân cũng cảm thấy thích nó.
    Xin ban tư vấn cho em biết một số thông tin như về cơ hội việc làm của ngành này sau khi tốt nghiệp? Những kĩ năng cần thiết để thành công trong ngành này?
    Công việc cụ thể của một thẩm định viên là gì (em chỉ biết về thẩm định bất động sản và chứng khoán - giá trị doanh nghiệp ở ngân hàng)? Một thẩm định viên có cần biết nhiều về tin học như quản trị hệ thống mạng không?
    - Chào bạn. Thẩm định giá là việc đánh giá hay đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc theo thông lệ quốc tế.
    Nghề thẩm định giá được chia làm hai cấp: chuyên viên thẩm định giá và trợ lý chuyên viên thẩm định giá. Tùy theo quy mô, loại hình kinh doanh… của từng công ty mà công việc của một chuyên gia thẩm định tài sản có thể khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung nhiệm vụ đặc trưng của một chuyên gia thẩm định giá là:
    - Trực tiếp thực hiện thẩm định giá các hợp đồng thuộc lĩnh vực: thẩm định giá bất động sản, động sản, giá trị doanh nghiệp. Lập báo cáo định giá và đề xuất kết quả định giá.
    - Chịu trách nhiệm giám sát về chất lượng của các chứng thư, báo cáo thẩm định giá.
    - Tham gia đề xuất, cảnh báo rủi ro trong việc định giá, quản lý đối với các nhóm tài sản theo từng thời kỳ.
    - Theo dõi, quản lý hồ sơ đã được định giá; chủ trì công tác định giá lại tài sản.
    Đúng như bạn đã nhận định, ngành này hiện đang rất cần nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Do vậy, cơ hội việc làm luôn rộng mở với các ứng viên tiềm năng. Với bằng cử nhân thẩm định giá, bạn có nhiều cơ hội lựa chọn địa điểm làm việc. Ngoài hai trung tâm thẩm định giá trực thuộc Bộ Tài Chính, trong thời gian tới các tỉnh, thành phố sẽ thành lập các doanh nghiệp thẩm định giá.
    Bạn cũng có thể làm việc với các chức danh khác nhau:
    - Thẩm định giá viên của các cơ quan có chức năng thẩm định giá tài sản, hàng hóa thuộc các bộ, ngành kinh tế như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên Môi trường...
    - Cán bộ và chuyên viên thẩm định giá trong các tổ chức khác nhau như sở, phòng tài chính, phòng địa chính của các địa phương và của các đơn vị kinh tế như các văn phòng luật sư về sở hữu trí tuệ, phòng kiểm định chất lượng...
    - Cán bộ và chuyên viên thẩm định giá làm việc trong các đơn vị kinh doanh như ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty xuất nhập khẩu, công ty xây dựng, công ty kiểm toán, công ty chứng khoán…
    - Giảng viên, cán bộ nghiên cứu ở các trường ĐH có đào tạo và giảng dạy thẩm định giá, các viện nghiên cứu.
    Thẩm định viên ngoài khả năng về chuyên môn, am hiểu thị trường, có kiến thức về các văn bản pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, tư vấn; hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực phân tích tài chính, thẩm định giá, khả năng ngoại ngữ và tin học (các ứng dụng tin học văn phòng), tính kiên trì và cẩn thận trong việc thu thập thông tin và xử lý số liệu.
    Nghề thẩm định giá cũng đòi hỏi bạn phải tự tin vào khả năng và kết quả thẩm định của mình. Vì là người cung cấp dịch vụ cho khách hàng nên bạn cũng cần năng động trong việc xử lý các mối quan hệ, các tình huống phát sinh...
    Do tính chất đặc biệt của nghề thẩm định giá, ngoài những tố chất kể trên, người thẩm định giá còn cần phải có tính kỷ luật (tuân thủ tiêu chuẩn thẩm định giá, chịu trách nhiệm trước pháp luật) và tính trung thực cao.
    Hãy hoàn thiện kiến thức và kỹ năng của mình ngay từ bây giờ bạn nhé!
  • 3. Hỏi: Sự khác biệt giữa chi phí, giá trị và giá trị thị trường?Open or Close
    Trả lời.
    Trong thẩm định giá, thẩm định viên cần hiểu được sự khác biệt giữa chi phí, giá trị, giá trị thị trường để thẩm định tài sản cho đúng:
    • Chi phí là tổng số tiền chi cho việc hình thành tài sản là bất động sản, máy móc thiết bị hoặc số tiền bỏ ra để sở hữu thương hiệu, doanh nghiệp……   
    • Giá trị của tài sản, thương hiệu, doanh nghiệp …là giá trị mà khách hàng nghĩ rằng họ sẽ có được do sở hữu hay sử dụng tài sản, thương hiệu, doanh nghiệp đó.
    • Giá trị thị trường: là mức giá ước tính sẽ được mua bán tự nguyện trên thị trường vào thời điểm thẩm nhất định (Tham khảo thêm tiêu chuẩn TĐGVN 01).
    Thông thương giữa chi phí phí và giá trị không bằng nhau, cũng có trường hợp chi phí và giá trị bằng nhau. Để hiểu rõ hơn ta xem ví dụ sau:
    Ông A mua một căn nhà với số tiền là 5.600.000.000 đồng (trong đó công trình xây dựng là 400.000.000 đồng), sau đó ông A cho tháo dỡ toàn bộ và xây lại căn nhà, chi phí cho việc xây nhà sau khi trừ vật liệu thu hồi là 800.000.000 đồng (trong đó thu vật liệu được 30.000.000 đồng). Trong trường hợp này:
    • Chi phí ông A  bỏ ra để có được đất  và công trình xây dựng là: 6.400.000.000 đồng. (Gồm 5.600.000.000 đồng+ 800.000.000 đồng).
    • Giá trị của căn nhà là: 6.030.000.000 đồng, trong đó giá trị đất: 5.200.000.000 đồng và giá trị công trình xây dựng: 830.000.000 đồng.    
    • Tại thời điểm Ông A hoàn thiện xong căn nhà, giá đất khu vực có xu hướng tăng lên và khảo sát được là 6.000.000.000 đồng cho diện tích mà Ông A sở hữu, giá vật liệu xây dựng cũng tăng lên và theo ước tính để xây dựng ngôi nhà tương tự cần phải bỏ ra khoảng 900.000.000 đồng. Trong trường hợp này giá thị thị trường của căn nhà ông A sẽ là: 6.900.000.000 đồng trong đó giá trị đất: 6.000.000.000 đồng và giá trị công trình xây dựng: 9000.000.000 đồng.
  • 4. Hỏi: Số tiền định giá góp vốn có thuộc diện phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không?Open or Close
    Trả lời.

    Công ty TNHH A được thuê 5000 m2 đất thời hạn 50 năm để phát triển sản xuất, tiền thuê đất nộp hằng năm. Công ty TNHH A nêu trên góp vốn với Công ty TNHH B thành lập Công ty TNHH C để phát triển sản xuất (Phù hợp với dự án xin thuê đất để phát triển sản xuất). Công ty TNHH góp vốn bằng quyền thuê 5000 m2 đất nêu trên và được định giá góp vốn là 5 tỷ đồng (bao gồm cả lợi thế kinh doanh và tài sản trên đất). Xin hỏi số tiền định giá góp vốn 5 tỷ nêu trên có thuộc diện phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không?

     Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính trả lời như sau:

    Về nguyên tắc, quyền thuê đất khi được sử dụng mà phát sinh thu nhập thì thu nhập đó phải nộp thuế TNDN. Quyền thuê đất được góp vốn lập DN mới phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai có thể dẫn đến 2 khả năng:

    Một là, quyền thuê đó được định giá bằng 5 tỷ đồng, ứng với phần vốn của A trong C, số tiền này chỉ dùng làm căn cứ xác định quyền điều hành, chi phối C hoặc căn cứ để chia lợi nhuận sau thuế của C (cổ tức A được nhận); hết thời hạn hoạt động của C, A nhận lại đất về. Trường hợp này 5 tỷ đồng không phải là thu nhập , cho nên không phải nộp thuế TNDN.

    Hai là, quyền thuê đó có cả trị giá tài sản, C sẽ hạch toán vào tài sản của mình, thực hiện tính trích khấu hao. Nói 1 cách khác, ở trường hợp này 5 tỷ đồng vừa là "quyền" của A trong C đối với điều hành và phân chia cổ tức, đồng thời đã được hạch toán vào chi phí của C và trở thành thu nhập của A. Do đó A phải xác định vào thu nhập để nộp thuế TNDN.

    Tuy nhiên, khoản thu nhập này chưa có ngay trong năm đầu tiên mà được kết chuyển dần từng năm, căn cứ vào số năm mà C hạch toán phân bổ vào chi phí.

  • 5. Hỏi: Chi nhánh trực thuộc công ty đang tiến hành cổ phần hóa vậy có thể cổ phần thực hiện được không?Open or Close
    Trả lời.
    Hiện chính sách cổ phần hóa sẽ được áp dụng theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần mới ban hành ngày 18/07/2011 thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP.
     
    Theo Khoản 1 và 2 Điều 52 về Điều khoản thi hành thì nếu Chi nhánh muốn cổ phần thì cần nhận được quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của cấp có thẩm quyền trước ngày 5/9/2011 (là ngày Nghị định 59/2011/NĐ-CP có hiệu lực) để có thể tiếp tục thực hiện cổ phần hóa. (Do theo Điều 2 về Đối tượng cổ phần hóa thì Chi nhánh không phải là đối tượng được thực hiện cổ phần hóa).
     
    Theo đó để có thể cổ phần hóa theo Quyết định đã ban hành thì Chi nhánh cần đề nghị Tổ giúp việc có ý kiến cùng Ban chỉ đạo Cổ phần Hóa về tiến độ các công việc sẽ thực hiện để việc cổ phần hóa Chi nhánh được thành công tốt đẹp.